[Kiến Thức] Bổ Sung Protein - Ngoài Liều Lượng Ra Thì Nguồn Gốc Cũng Không Nên Ngó Lơ

Sang Nguyen
Đăng ngày 02/10/2020
421 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Nguồn ảnh: Care Online

"Ngày nay mọi người đều muốn ăn nhiều protein để tăng cơ và giảm mỡ."

Cường nói với bạn gái của mình: "Tối nay hãy ăn một miếng bít tết cỡ 22 ounce. Như vậy, chắc chắn sẽ cung cấp đủ lượng protein!"

Bạn gái anh nghi ngờ “Anh có chắc ăn nhiều như vậy có thể giảm béo không?”

Cường tự tin nói: “Em không hiểu sao, anh cần tập luyện rất nhiều cơ bắp để thúc đẩy hoạt động trao đổi chất của cơ thể, nhưng để rèn luyện cơ bắp thì trước tiên anh phải ăn nhiều thịt!”


Chế Độ Ăn Giàu Protein - Thịt Lợn, Thịt Bò Đã Đủ?
Bạn có suy nghĩ tương tự như vậy không? Bạn nghĩ rằng muốn tăng cơ, giảm mỡ thì phải thực hiện chế độ ăn giàu protein, nghĩa là phải ăn nhiều thịt lợn, thịt bò? Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi trên dựa vào hai khái niệm “lượng protein hấp thụ” và “nguy cơ mắc bệnh” dưới đây. Tuy nhiên, nếu bạn thiếu kiên nhẫn đi vào nội dung chi tiết, thì bài viết cũng sẽ đưa ra cho bạn kết luận cơ bản như sau:

● Nguồn gốc protein quan trọng hơn số lượng.

● Cố gắng bổ sung protein chất lượng cao đến từ cá, sữa, đậu, các loại hạt, ức gà, v.v., giảm lượng thịt đỏ như thịt lợn và thịt bò. Hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ đã qua chế biến như xúc xích, giăm bông, thịt khô và chà bông để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh


Một Số Loại Bệnh Liên Quan Đến Protein

Giờ thì bạn biết đấy, không thể ăn bít tết và sườn heo dưới danh nghĩa để cung cấp chất đạm cho cơ thể, và cũng không nên ăn sản phẩm chế biến như thịt xông khói và xúc xích. Tiếp theo, chúng ta hãy thảo luận riêng về một số loại bệnh liên quan.

Ngoài ra, xin lưu ý rằng "một khẩu phần" protein được đề cập dưới đây phụ thuộc vào nguồn protein. Nếu là protein từ thịt hoặc cá, thì khối lượng được ám chỉ là 3 ounce, tức khoảng 85 gam thực phẩm, hay áp dụng phương pháp dễ nhớ hơn là "kích thước bằng lòng bàn tay của bạn”. Nếu nguồn protein có nguồn gốc từ thực vật, như đậu luộc, thì 1 khẩu phần có nghĩa là nửa chén đậu, có kích thước bằng một nắm tay. Một quả trứng hoặc hai lòng trắng trứng là một khẩu phần. Một phần sữa là khoảng 236 ml sữa tươi, hay có thể tính bằng một chai sữa tươi loại nhỏ 290 ml được bán rộng rãi trong các siêu thị.

Nguồn ảnh: Care Online

   Protein và bệnh tim mạch

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói và giăm bông sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.

Một nghiên cứu đã theo dõi hơn 120.000 người trong 20 năm chỉ ra rằng tiêu thụ thêm một phần thịt đỏ mỗi ngày, tức là ăn thêm 1 lượng thịt đỏ có kích thước bằng lòng bàn tay, sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch lên đến 13%. Tình hình còn tồi tệ hơn nếu bạn tiêu thụ thịt đỏ đã qua chế biến. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm một cây xúc xích hoặc hai lát thịt xông khói, tương đương với một nửa khẩu phần thịt đỏ đã qua chế biến, khả năng tử vong vì bệnh tim mạch sẽ tăng lên đến 20%. Nói một cách tương đối, nếu bạn kiểm soát lượng thịt đỏ hàng ngày ít hơn một nửa khẩu phần có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Kết luận này không phải khuyên mọi người không ăn đạm mà nên chọn loại đạm nào để dùng. Nếu ăn nhiều đạm thực vật, hoặc lấy đạm từ sữa, hải sản thì bằng cách ăn cá, hải sản, đậu, hạt, v.v. thì không nên bổ sung thêm nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Cách này có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Tóm lại, theo nghiên cứu, tổng lượng protein ăn vào không liên quan nhiều đến bệnh tim mạch, nhưng càng tiêu thụ nhiều thịt đỏ hoặc thịt đỏ đã qua chế biến thì khả năng mắc bệnh tim càng cao.

 Nguồn ảnh: Care Online

   Protein và bệnh tiểu đường

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn ăn thêm một khẩu phần thịt đỏ hoặc thịt đỏ đã qua chế biến mỗi ngày, khả năng mắc bệnh tiểu đường của bạn tăng lần lượt là 12% và 32%.

Nếu bạn mắc phải đường huyết cao và đang cố gắng áp dụng chế độ ăn giàu protein hoặc chế độ ăn keto để cải thiện lượng đường trong máu, hãy nhớ rằng không chọn thịt lợn hoặc thịt bò, và tốt nhất đừng bao giờ động đến xúc xích hoặc giăm bông. Hãy nhớ rằng khi muốn bổ sung đạm thì phải chọn đạm chất lượng cao như đậu, cá, gà bỏ da, sữa để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nên lưu ý rằng bạn cũng phải có kiến thức về cách chế biến thịt. Nếu bạn thích chiên, hoặc nướng, thực phẩm sẽ tiếp xúc với nhiệt độ cao. Mặc dù sẽ ngon hơn nhưng nó sẽ tạo ra nhiều sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end products), khiến cơ thể thiếu hụt oxy trầm trọng (oxygen debt) hơn, tăng nguy cơ viêm mãn tính và sinh ra nhiều “kháng insulin”.

Do đó, việc chế biến thịt đỏ và thịt gà ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như ăn gà rán, bít tết, thịt quay và nướng, tương đối không tốt cho sức khỏe.

Khi nấu thức ăn, tốt nhất nên chuyển sang phương pháp hấp, chưng, hoặc ninh hầm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu tổng lượng ăn vào là như nhau, loại thịt cũng giống nhau, nhưng những người thích ăn thịt chế biến ở nhiệt độ cao có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn (ngay cả khi họ chọn thịt gà hoặc thịt trắng). Nếu bạn thích sử dụng các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ tương đối thấp, chẳng hạn như ninh thịt lợn và thịt gà không mỡ, thì nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi rất nhiều.

Vì vậy, để tránh lượng đường huyết tăng cao, ngoài việc chọn nguồn protein chất lượng cao, bạn cũng phải chú ý đến cách chế biến. Cố gắng không sử dụng nhiệt độ cao, mà nên sử dụng nhiệt độ thấp kèm theo hơi nước. Chọn nguyên liệu và phương pháp nấu đều quan trọng như nhau.

Nguồn ảnh: Care Online

   Protein và bệnh ung thư

Các kết quả nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng nguồn gốc quan trọng hơn số lượng. Thịt đỏ đã được xếp vào nhóm gây ung thư 2A. Càng tiêu thụ nhiều thịt đỏ, nguy cơ mắc các bệnh như ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt càng cao. Hơn nữa, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng quan sát được rằng nhiệt độ nấu chín thịt càng cao thì khả năng gây ung thư càng cao. Rốt cuộc, nhiệt độ cao có thể dễ dàng ảnh hưởng đến protein, dẫn đến những thay đổi sinh hóa tiếp theo, do đó gây ra nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.

   Protein và cân nặng

Hiện nay, phương pháp “giàu đạm, ít ngọt” không khó thực hiện khi bạn muốn ăn theo chế độ tăng cơ giảm mỡ. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng việc lựa chọn nguồn đạm sẽ ảnh hưởng đến kết quả giảm cân. Nếu bạn ăn nhiều protein, hãy chọn nhiều đậu, sữa, cá và các loại protein khác, sẽ thực sự có thể giúp bạn giảm cân. Nhưng nếu bạn chọn ăn thịt đỏ như thịt lợn và thịt bò, hoặc xúc xích, giăm bông và thịt xông khói, bạn sẽ dễ bị béo phì hơn. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng không chỉ thịt đỏ, mà nếu bạn thích ăn thịt gà có da, hoặc thêm nhiều pho mát, phương pháp ăn giàu protein như vậy sẽ khiến bạn mất kiểm soát cân nặng của bản thân.

Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cân nặng thông qua việc bổ sung đạm. Nhưng hãy nhớ chọn hải sản, thịt gà bỏ da, các loại hạt, đậu và tập thể dục phù hợp để có thể mang nhiều lợi ích cho cơ thể. Mở đầu bài viết, có một chàng trai muốn ăn bít tết để tăng cơ, giảm mỡ, điều này không những không giảm được cân mà còn có thể tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, ung thư.


Lời Kết

Tóm lại, nguồn thực phẩm và phương pháp chế biến đều rất quan trọng. Nếu bạn muốn bổ sung protein, trước tiên hãy bắt đầu với protein chất lượng cao, không ăn thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến.


Nguồn bài viết: Running Biji